Viêm gan B là bệnh lý nhiễm trùng gan phổ biến nhất thế giới, đe dọa đến sức khỏe của bất kỳ đối tượng nào mắc phải. Việc không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới viêm gan mạn tính là yếu tố nguy cơ hình thành xơ gan và ung thư gan. Cùng tìm hiểu Nguyên nhân – dấu hiệu – phòng ngừa viêm gan B.
Nguyên Nhân Viêm Gan B
Bệnh viêm gan B do virus HBV lây lan qua máu, tinh dịch và các chất dịch cơ thể khác từ người bị nhiễm virus. Virus viêm gan B có một lớp vỏ bên ngoài và một lõi bên trong.
-
Lớp vỏ bên ngoài của virus bao gồm một loại protein bề mặt được gọi là kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAg).
-
Lõi bên trong của virus là một vỏ protein được gọi là kháng nguyên lõi viêm gan B (HBcAg), chứa DNA của virus viêm gan B và các enzym được sử dụng trong quá trình nhân lên của virus.
Loại virus này có thể sống được 30 phút ở nhiệt độ 100 độ C; ở nhiệt độ -20 độ C có thể sống 20 năm. Virus viêm gan B có thể tồn tại bên ngoài cơ thể ít nhất trong 7 ngày. Trong thời gian này, virus vẫn có thể gây nhiễm bệnh nếu xâm nhập vào cơ thể của người khác, thậm chí có khả năng lây nhiễm cao hơn HIV gấp 100 lần. Thời gian ủ bệnh của virus viêm gan B trung bình là 75 ngày, nhưng có thể dao động từ 30 đến 180 ngày.
Số liệu thống kê của Tổ chức Viêm gan B cho thấy, trên toàn cầu có 2 tỷ người bị nhiễm viêm gan B, tức là trung bình cứ 3 người sẽ có 1 người bị mắc bệnh này. Trong đó, có đến 257 triệu người bị mắc bệnh viêm gan B mạn tính. Cũng theo tổ chức này, mỗi năm có khoảng 700.000 người tử vong do viêm gan B và các biến chứng của căn bệnh này.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), viêm gan B là một vấn đề sức khỏe gây ra gánh nặng lớn cho hệ thống y tế toàn cầu. Gánh nặng lây nhiễm cao nhất là ở Khu vực Tây Thái Bình Dương và Khu vực Châu Phi, với lần lượt là 116 triệu và 81 triệu người mắc bệnh viêm gan B mạn tính. Ở các khu vực khác trên thế giới, có đến 60 triệu người bị nhiễm bệnh ở Đông Địa Trung Hải, 18 triệu người ở Khu vực Đông Nam Á, 14 triệu ở Khu vực Châu Âu và 5 triệu ở Khu vực Châu Mỹ.
Đặc biệt, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm viêm gan B cao nhất thế giới. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay ở Việt Nam có khoảng 10 triệu người nhiễm viêm gan B, phần lớn là bệnh mạn tính.
Dấu Hiệu Bệnh Viêm Gan B
Viêm gan B ở giai đoạn đầu hay còn gọi là viêm gan B cấp tính có triệu chứng không rõ ràng nên người bệnh rất khó nhận biết. Triệu chứng gây bệnh hoàn toàn mờ nhạt, ít có biểu hiện cụ thể ra bên ngoài, chỉ khi phát triển sang giai đoạn mạn tính mới có một số biểu hiệu cụ thể.
Nhưng ngay cả khi không có triệu chứng hoạc có ít triệu chứng thì virus viêm gan B vẫn có thể gây nên tổn hại tới lá gan của bạn.
Dấu hiệu viêm Gan B cấp tính
Dấu hiệu của viêm gan B cấp tính có thể gồm chán ăn, đau khớp và cơ, sốt nhẹ hoặc có thể gây đau dạ dày. Thông thường, không phải ai cũng có triệu chứng, nhưng trong trường hợp có, chúng thường xuất hiện sau khoảng 60 – 150 ngày kể từ khi mắc bệnh, thời gian trung bình từ khi nhiễm bệnh đến khi triệu chứng xuất hiện là 3 tháng. Một số người có thể gặp phải những triệu chứng nghiêm trọng hơn như buồn nôn, nôn mửa, da và mắt bị vàng hoặc sưng dạ dày.
Trường hợp người bệnh đã bị nhiễm viêm gan B trong một thời gian dài trước khi bắt đầu có triệu chứng, có khả năng cao đó là dấu hiệu của những biến chứng nguy hiểm của viêm gan B như xơ gan hoặc ung thư gan.
Phòng Ngừa Viêm Gan B
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả, tiết kiệm và đơn giản nhất hiện nay là chủng ngừa đầy đủ, đúng lịch vắc xin phòng bệnh viêm gan B theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Vắc xin viêm gan B được khuyến nghị cho tất cả các trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 18 tuổi bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ. CDC cũng khuyến nghị rằng người lớn thuộc các nhóm có nguy cơ cao nên được tiêm phòng.
Ngoài ra, dựa vào những đường lây truyền của viêm gan siêu vi B, các chuyên gia đưa ra khuyến cáo về các biện pháp phòng ngừa khác nên được phối hợp thực hiện song song với việc chủng ngừa bệnh như sau:
-
Đảm bảo quan hệ tình dục an toàn;
-
Đảm bảo tiếp xúc an toàn tuyệt đối với kim (xăm, xỏ khuyên, châm cứu, chích,…);
-
Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch cơ thể của người khác; Đeo găng tay nếu phải chạm vào máu hoặc vết thương hở
-
Tránh sử dụng chung các vật sắc nhọn như dao cạo râu, bấm móng tay, bàn chải đánh răng, bông tai hoặc nhẫn trên cơ thể…
-
Không dùng chung đồ dùng cá nhân, chẳng hạn như bàn chải đánh răng, dao cạo râu hoặc đồ cắt móng tay
Có thể nhận thấy, bệnh viêm gan B là một căn bệnh rất dễ lây lan, và đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Chính vì vậy chúng ta nên chủ động bảo vệ sức khỏe, có lối sống và sinh hoạt lành mạnh,...